DTK Biotech-Vet - Làm giàu từ nuôi vịt trời

Nhận thấy vùng ao đầm trên địa bàn đang sinh sống rất phù hợp để nuôi thủy cầm, anh Quách Minh Chung (thôn 12, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) đã mạnh dạn thử nghiệm nuôi vịt trời và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Anh Quách Minh Chung cho biết, khu vực hồ C2 (xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) vốn là hồ nước tự nhiên, chủ yếu phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trong vùng. Sau nhiều lần tìm hiểu, anh thấy khu vực này rất phù hợp để nuôi các loại thủy cầm vì hồ nước rộng, rất nhiều thức ăn tự nhiên như ốc, cá, bèo... Qua đọc sách báo, anh thấy nuôi vịt trời đang là hướng đi mới của nhiều nông dân vì kỹ thuật nuôi, chăm sóc không khó nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh đã mạnh dạn thuê 12 ha mặt nước ở hồ C2 , đồng thời xuống tỉnh Đồng Nai tham quan và mua 600 con vịt trời về nuôi thử. Thời gian đầu anh rất lo lắng vì không biết đàn vịt có thích nghi được không nên anh dốc hết “vốn liếng” kiến thức học được để chăm đàn vịt. Không phụ công người nuôi, đàn vịt phát triển rất tốt, không bị bệnh, thích nghi với điều kiện khí hậu tại Ea Kar. Sau 1 năm tập trung nhân giống phát triển đàn, đến nay quy mô trang trại của anh đã lên đến 35.000 con, bao gồm vịt giống, vịt con và vịt thương phẩm. Theo anh Chung, vịt trời có ưu điểm ăn ít hơn vịt nhà, vịt trưởng thành thích ăn các loại thức ăn tự nhiên hơn là thức ăn tổng hợp nên người nuôi chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp ở tháng đầu tiên. Khi vịt mới nở đến lúc 3 tuần tuổi, phải cho ăn cám với đầy đủ dinh dưỡng, từ 3 tuần tuổi đến lúc xuất chuồng, thức ăn của vịt hoàn toàn có nguồn gốc tự nhiên như ốc, bèo, bắp..., trừ vịt đẻ là phải cho ăn thêm cám tổng hợp. Đặc điểm nổi bật của vịt trời là bơi và bay rất giỏi, do đó cần có diện tích mặt nước đủ rộng để vịt không bay đi mất, đồng thời cần cung cấp đầy đủ thức ăn, ban đêm phải có một bóng điện nhỏ thắp sáng để vịt tự về chuồng.
Trang trại nuôi vịt trời của anh Quách Minh Chung.
Để đảm bảo chất lượng vịt thương phẩm, anh Chung áp dụng quy trình nuôi vịt sạch và cách nuôi bán hoang dã, đàn vịt được chăn nuôi gần như hoàn toàn trong môi trường nước hồ tự nhiên với chuồng trại được xây dựng bảo đảm kỹ thuật. Theo anh Chung, mặc dù vịt trời có sức đề kháng cao, ít bị nhiễm bệnh nhưng cũng cần phải tiêm vắc xin đầy đủ, phun thuốc sát trùng để phòng bệnh. Thời gian nuôi từ vịt con lên vịt thương phẩm mất khoảng 2,5 - 3 tháng, mỗi con vịt thương phẩm nặng từ 1-1,3 kg, với giá bán lẻ 100 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư hệ thống máy ấp trứng để cung cấp con giống cho các hộ dân có nhu cầu, với giá 15.000 đồng/con. Hiện tại, vịt thương phẩm, vịt giống của gia đình anh Chung mới chỉ đủ cung cấp trên địa bàn tỉnh và một số ít cho tỉnh Lâm Đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gia đình anh thu được khoảng 200 - 300 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế khá cao, anh đang có dự định mở rộng quy mô nuôi vịt trời bằng cách liên kết với các hộ dân trong vùng, anh đầu tư con giống và bao tiêu sản phẩm, đồng thời tiến tới xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững và đưa sản phẩm đi xa hơn.
BiotechVET tổng hợp theo Báo Đắk Lắk

Đăng nhận xét