DTK Biotech-Vet - Lão nông dám nghĩ - dám làm

Đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình ông Đặng Văn Thống (Ấp 5, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), mọi người đều thán phục bởi việc dám nghĩ, dám làm cùng quyết tâm vươn lên, không ngại khó khăn để phát triển kinh tế gia đình.
Là hộ đầu tiên và duy nhất trong xã áp dụng mô hình nuôi heo rừng tại nhà, bước đầu ông rất băn khoăn vì mô hình này khá mới tại địa phương, bản thân ông lại chưa có nhiều kinh nghiệm. Tự tìm tòi học hỏi, ông cho xây dựng chuồng trại, tìm mua giống heo rừng từ người quen.
Ông Thống đang cho đàn gà nòi ăn..
Sau gần 1 năm, giờ đây gia đình ông Thống đã có đến 40 con heo rừng. Gia đình ông bán cả heo thịt và heo con, heo mới sinh ra nuôi khoảng 1 tháng rưỡi thì bán heo con, nuôi 3 tháng được khoảng 20 kg thì bán heo thịt. Giá heo con khoảng 2,5 triệu đồng/cặp, heo thịt 150.000 đồng/kg. Thời gian mang thai của heo rừng cũng như heo nhà, khoảng 120 ngày. Heo rừng thường đẻ mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa từ 8-12 con.
Chi phí đầu tư nuôi heo rừng không lớn, tiêu tốn ít thức ăn, thời gian nuôi ngắn, sinh sản tốt nên dễ nuôi. Thịt heo rừng thơm ngon rất đặc trưng, nhiều nạc, ít mỡ, hàm lượng cholesterol thấp nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Thức ăn của heo rừng cũng rất đơn giản, chủ yếu là rau củ quả ít cám, gạo, ngũ cốc và thức ăn tinh đạm. Ông Thống trồng ở vườn nhà các loại khoai, rau muống, chuối… để cho heo ăn. Hằng ngày ông xin cặn ở các hộ trong xóm mang về cho heo ăn để tiết kiệm chi phí.
Ông Thống chia sẻ kinh nghiệm: “Không nên cho heo rừng ăn nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng như nuôi heo nhà vì sẽ làm phẩm chất thịt biến đổi, có khi bị tiêu chảy. Heo rừng ăn thức ăn tươi xanh, ít uống nước nhưng phải đủ nước cho nó tắm và uống tự do. Lúc đầu khi mới nuôi tôi cũng sợ cực, nhưng nuôi rồi mới biết nuôi heo rừng khoẻ hơn nuôi heo nhà nhiều, chúng có sức đề kháng cao, lại ít bệnh tật. Heo con ra đời không cần đỡ, cắt rốn, chỉ sau nửa tiếng là nó có thể đứng dậy bú sữa mẹ được rồi”.
Chuồng trại để nuôi heo rừng cũng rất đơn giản, nên chọn chỗ cao và thoát nước tốt. Chỗ nuôi nên có nguồn nước sạch, vừa cung cấp đủ nước cho heo uống, vừa duy trì hệ thực vật và giữ độ ẩm cho heo. Hằng ngày phải vệ sinh chuồng trại, dọn sạch các thứ chúng ăn thừa trong máng rồi mới cho thức ăn mới vào.
Ông Thống tự hào cho biết thêm: “Heo này khôn lắm, tôi và vợ vào chuồng cho chúng ăn thì chúng không có phản ứng gì, chứ có người lạ là chúng xừng lông lên liền. Nó dễ nuôi lắm, đói bụng cũng không kêu la gì cả, không cho ăn cũng nín thinh chứ không la hét đòi ăn như heo nhà”.
Hiện nay, khi người nuôi heo nhà đang lao đao vì giá heo sụt giảm nghiêm trọng, không tìm được đầu ra thì gia đình ông Thống vẫn bán heo rừng với giá cao. Ông thường bán heo cho các nhà hàng ở Cà Mau, có bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Chưa đầy 1 năm kể từ khi nuôi heo rừng tại nhà, gia đình ông Thống đã thu được lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Ông Thống dự định mở các sạp bán thịt heo rừng tại các chợ Cà Mau để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Ngoài ra, ông còn nuôi thêm hơn 200 con gà nòi để bán lấy thịt. Gà nòi khoẻ, dễ nuôi lại là giống tốt, được nhiều người ưa chuộng nên gia đình ông có nguồn thu nhập đáng kể từ việc bán gà nòi.
Ông Nguyễn Thành Được, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, nhận xét: “Mô hình nuôi heo rừng tại nhà của chú Ba Thống là mô hình thí điểm đầu tiên trong xã. Có thể nhận thấy mô hình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ tổ chức họp để bàn bạc và tìm cách tạo điều kiện nhân rộng mô hình này cho bà con trong xã biết và học hỏi”./.

Đăng nhận xét