Biotech-VET- Kỹ thuật nuôi lợn nái sinh sản tốt nhất

1. TUỔI LÊN GIỐNG VÀ PHỐI GIỐNG

- Lợn cỏ (ỉ, Móng Cái) lên giống lúc 3-4 tháng tuổi.

- Lợn lai (Ba Xuyên, Thuộc Nhiêu) lên giống lúc 6-7 tháng tuổi.

- Lợn giống thuần chủng (Yorkshire, Duroc) lên giống lúc 7-7,5 tháng tuổi.

Tuy là tuổi lên giống lần đầu như trên, nhưng khi phối giống muốn có nhiều con, ta nên bỏ chu kỳ lên giống đầu (nước đầu) mà phối giống (phủ nọc) vào chu kỳ 2. Vì lần lên giống đầu trứng rụng rất ít, nếu cho phối giống sẽ được ít con.

2. TRỌNG LƯỢNG PHỐI GIỐNG

- Lợn cỏ (ỉ, Móng Cái): 45-50 kg.

- Lợn lai (Ba Xuyên, Thuộc Nhiêu): 70-80kg.

- Lợn giống (Yorkshire, Landrace, Duroc): 90-100 kg.

3. THỜI ĐIỂM PHỐI GIỐNG TỐT NHẤT

Muốn cho nái đẻ nhiều con, ngoài chọn tuổi và trọng lượng lên giống, ta phải xác định thời điểm phối giống thích hợp nhất. Một chu kỳ lên giống của lợn là 21 ngày. Khi lên giống, lợn có biểu hiện: ăn ít, bỏ ăn, buồn bực, kêu rên suốt ngày, phá chuồng, thường nhảy lên lưng những con khác; âm hộ sưng lớn hơn bình thường và có màu đỏ mạng. Nếu dùng hai tay ấn nhẹ lên lưng lợn nái thì nó sẽ đứng yên, hai tai vểnh lên (đối với nái nuôi con thường lên giống sau khi tách con hoặc tách đàn từ 1-7 ngày).


Thời gian động dục của lợn nái biến động từ 3-5 ngày. Thời điểm phối giống thích hợp cho các loại lợn nái như sau:

- Đối với lợn nội: cuối ngày thứ 2 đầu ngày thứ 3.

- Đối với lợn ngoại và ngoại lai: cuối ngày thứ 3 sang đầu ngày thứ 4.

4. KỸ THUẬT PHỐI TRỘN THỨC ĂN CHĂN NUÔI LỢN NÁI

Ở vùng đồng bằng Nam Bộ, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu là tấm, cám, khô dừa. Có thể dùng cho lợn nái mang thai và lợn nái nuôi con ăn, nhưng phải phối hợp khẩu phần khác nhau cho lợn nái mang thai và nuôi con. Vì ở giai đoạn mang thai từ 1-90 ngày nhu cầu dinh dưỡng cần ít hơn giai đoạn 90-114 ngày. Còn ở giai đoạn nuôi con thì nhu cầu dinh dưỡng cần cao hơn để tạo sữa.

Kỹ thuật cho lợn nái ăn khác với kỹ thuật nuôi heo thịt như không nên cho lợn nái mang thai ăn liên tục như lợn nái nuôi con, mà phải ăn hạn chế một ngày 2-3kg thức ăn hỗn hợp trên và chia làm 2 lần, sáng ăn 1kg và chiều ăn 1kg. Mục đích để lợn nái không béo quá, nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng nuôi bào thai.

5. DẤU HIỆU NÁI SẮP SINH

Nái sắp sanh thường biểu hiện ăn ít hay không ăn, có tiếng kêu rền của nái sắp đẻ. Nái thường ủi phá nền chuồng (hiện tượng quầng ổ). Để nái ít hao tốn năng lượng do việc quầng ổ, ta nên rải rơm, cỏ khô hoặc bao bố sạch vào chuồng cho nái nằm.

Nái sắp sinh có thể tăng thân nhiệt, tăng nhịp thở, đi lại không yên trong chuồng, đi phân, đi tiểu nhiều lần (gọi là đi mót) làm cho ô chuồng dơ bẩn. Do đó cần vệ sinh và giữ chuồng luôn khô ráo để tránh nhiễm trùng cho heo con và bộ phận sinh dục heo nái sau khi đẻ.

6. CHĂM SÓC NÁI ĐẺ VÀ HEO CON SƠ SINH

Nơi nái đẻ phải thoáng mát, yên tĩnh. Nhiệt độ cao, hầm nóng, không thông thoáng làm cho nái thở mệt, lười rặn, đẻ chậm gây ngộp thai. Sự ồn ào, lạ người chăm sóc, sự hiện diện của thú lạ như chó mèo có thể làm nái hoảng sợ hoặc hung dữ, ngưng đẻ hoặc đẻ chậm, số heo con chết lúc đẻ tăng.

Sau khi sinh áp dụng kỹ thuật chăn nuôi như lợn mẹ bị mất sức rất nhiều do mất nước, mất máu và ăn kém. Đề phòng các trường hợp viêm tử cung, ngay sau khi lợn nái đẻ xong ta nên tiêm cho nó một liều thuốc kháng sinh. Những thuốc kháng sinh có thể dùng tiêm cho lợn nái mà không ảnh hưởng làm giảm sữa như: Terramycin 10cc/1 ngày, liên tục trong 3 ngày. Tylan 50 hoặc Suanavil 5 tiêm 10cc/1 con/1 ngày, liên tục trong 3 ngày.

Trong thời gian tiêm kháng sinh cho lợn nái, ta nên tiêm kèm thuốc bỏ (vitamin C, B1, B complex, B12, Gluconat, Stricmin) để trợ sức, kích thích lợn ăn khỏe để có sữa cho lợn con.

Đăng nhận xét