DKT Biotech-VET- Thoát nghèo nhờ nuôi dông trên cát

Nuôi dông thương phẩm trên cát, mô hình đã và đang mở ra hướng phát triển vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân Ninh Thuận.
Hơn năm năm qua, nông dân xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã thực hiện thành công mô hình nuôi dông thương phẩm trên cát. Nhờ đó, nông dân nơi đây tăng thêm thu nhập đáng kể, từng bước vươn lên thoát nghèo. Mô hình đã và đang mở ra hướng phát triển vật nuôi mới đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân tại các vùng nông thôn ở Ninh Thuận.
Thôn Hòa Thủy là nơi có động cát đỏ rộng lớn nhưng khô cằn, nên động cát này bị bỏ hoang nhiều năm. Để tìm hướng thoát nghèo bằng cách biến khó khăn thành lợi thế, cuối năm 2012, ông Đinh Duy Nghĩa đưa ra ý tưởng về mô hình nuôi dông thương phẩm trên cát.
Ngày đó, nhiều người cho rằng ông Nghĩa muốn chơi “ngông”, vì động cát đỏ nắng nóng quanh năm, cây cỏ tự nhiên còn chết cháy huống gì vật nuôi.

Nghe như thế, ông Nghĩa lặng lẽ chọn 250m2 đất ở động cát và đầu tư 20 triệu đồng xây dựng chuồng trại, ông chở cát động ở nơi khác về đổ chồng lên đất cát đỏ vừa làm nền chuồng vừa đắp những đồi cát nhỏ nhân tạo, trồng cỏ, đào hang… tạo môi trường sinh thái tự nhiên rồi bỏ ra ba triệu đồng, mua 10 kg dông giống về nuôi.
Qua sáu tháng, đàn dông sinh trưởng tốt, không bệnh dịch. Lứa dông cái giống thả nuôi đã có nhiều con đẻ nhiều trứng trong hang. Khoảng sáu tuần, trứng nở ra đàn dông con, chúng tự tìm kiếm thức ăn trong chuồng, ông Nghĩa càng an tâm về ý tưởng của mình và đợi kết quả đem lại.
Dông con lớn rất nhanh. Nuôi từ khi mới nở cho đến lúc xuất chuồng từ 20 đến 24 tháng, dông trống trưởng thành đạt trọng lượng từ ba đến bốn con/kg; dông mái từ sáu đến tám con/kg. Riêng giống dông cỏ nhỏ hơn thì khoảng 10-12 con/kg. Thương lái đến tận chuồng thu mua với giá 450 nghìn đồng/kg.
Ông Nghĩa cho biết thêm, hằng tháng, ông chỉ bắt “tỉa” vài kg dông trống lớn để bán, thu nhập từ tám đến mười triệu đồng/năm. Các nhà hàng ở Ninh Thuận thường mua dông cân nặng từ hai đến ba lạng/con, còn các tỉnh phía nam mua dông đạt trọng lượng năm lạng trở lên. Tuy thương lái thu mua dông mái với giá là 500 nghìn đồng/kg, nhưng rất ít người nuôi bán, vì bà con để dành cho việc sinh sản, nhân giống.
Thấy được hiệu quả của mô hình, nhiều người dân đã ra vùng động cát đỏ xây dựng chuồng trại rồi thả hàng nghìn con dông nuôi bán thâm canh. Xây chuồng trại rất đơn giản, trên vùng đất cát làm nên, bà con xây móng bao che bằng đá chẻ sâu 0,5 đến 0,8m, để ngăn con dông không thể đào hang chui ra khỏi chuồng. Tiếp đó, xây gạch táp-lô bao che cao khoảng 1,5m hoặc rào lưới quanh khu đất. Trên nền chuồng thì đắp mô đất, đào hang cạn cho dông mái có chỗ đẻ trứng… kết hợp trồng cỏ và cây xanh tạo môi trường tự nhiên cho dông sinh trưởng. Thức ăn nuôi dông là các loại rau muống, rau cải, cây đậu…
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hải Nguyễn Hữu Lương, cho biết, Hòa Thủy có 592 hộ, đến nay có gần 50 hộ nuôi dông trên cát với diện tích hai ha, mỗi năm cung cấp hơn hai tấn dông thương phẩm cho thị trường các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh. Các hộ Nguyễn Càng, Nguyễn Kẹp, Trần Thị Nhỉnh… thu nhập từ 50 đến 80 triệu đồng/năm/1.000 m2 chuồng.
Trên diện tích hơn 3 nghìn m2, hộ bà Trần Thị Nhỉnh đầu tư 100 triệu đồng xây chuồng trại nuôi hơn năm nghìn con dông thương phẩm và dông giống. Mỗi năm, bà bán hơn 100 kg dông thương phẩm và dông con giống; trừ chi phí, thu lãi hơn 70 triệu đồng. So với nuôi dê, thỏ, con dông dễ nuôi hơn và sinh sản nhanh, một lần đẻ từ sáu đến tám quả trứng, 30 ngày sau, trứng nở ra dông con. Người nuôi có thể tự nhân con giống để nuôi trong nhiều năm.
Tuy nuôi dông không phải nghề chính, nhưng với giá bán 450 nghìn đồng/kg dông thương phẩm, người dân có nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay chăn nuôi gia cầm. Giờ đây, Hòa Thủy trở thành “thủ phủ” nuôi dông của tỉnh Ninh Thuận. Nhờ thu nhập cao, nhiều hộ dân nơi đây đã vươn lên làm giàu.
Ông Trịnh Lân chia sẻ, nhờ thu nhập từ bốn nghìn m2 nuôi dông, nên năm đứa con ông được học hành bài bản. Ông tích lũy được số vốn kha khá, đời sống gia đình sung túc hơn trước rất nhiều.
Trong năm 2018, xã Phước Hải có kế hoạch thành lập “Tổ hợp nghề nghiệp chăn nuôi dông”, để hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nhân rộng mô hình và mở rộng thị trường đầu ra cho nông dân. Theo ông Nguyễn Hữu Lương, lúc ấy sẽ giúp nông dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội để đầu tư nhân rộng mô hình và từ đó tạo ra sản phẩm đặc thù cho Ninh Thuận.

Đăng nhận xét