DTK Biotech-Vet - Phú Yên: Người nuôi heo hy vọng vào vụ tết

Khoảng 2 tuần qua, giá heo trên thị trường bắt đầu tăng trở lại và vẫn đang trên đà tăng nên các hộ nuôi heo của tỉnh Phú Yên đặt nhiều kỳ vọng vào vụ heo tết.
Người chăn nuôi hy vọng vào vụ heo tết - Ảnh: Thủy Tiên
Cung vượt cầu, giá heo “leo dốc”
Khoảng 2 tuần qua, thị trường heo hơi trên địa bàn tỉnh bắt đầu “nóng” dần lên khi thương lái tấp nập dạo tìm mua heo. Ông Nguyễn Văn Sơn ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An) cho hay: Cả tuần nay trại heo gia đình tôi mỗi ngày phải tiếp mấy thương lái đến hỏi mua. Nhưng năm nay gia đình tôi giảm quy mô, chỉ nuôi hơn chục con vụ tết, hiện giờ heo chỉ mới được khoảng 70kg/con, phải thúc đến tết thì heo mới đạt 80-85kg/con.
Không chỉ ở Tuy An, những ngày qua ở các vùng nuôi heo trọng điểm của huyện Phú Hòa, Đông Hòa cũng có rất nhiều thương lái rảo tìm mua heo. Ông Trần Thanh ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), cho biết: Đầu vụ, khi giá heo còn dưới “đáy” tôi vẫn liều thả nuôi 2 lứa, mỗi lứa 8 con chờ “ăn may” vào vụ tết. Mấy ngày trước, tôi xuất chuồng 1 lứa thu được hơn 30 triệu đồng, nếu trừ các khoản chi phí cũng lãi được ít triệu. Tuy không nhiều nhưng suốt cả năm qua thì đây là lứa heo duy nhất có lợi nhuận. Hiện trong chuồng còn 1 lứa nữa, khoảng 20 ngày tới sẽ xuất bán, hy vọng giáp tết giá heo sẽ tăng cao hơn để người nuôi “gỡ” lại được ít vốn đầu tư cho cả năm qua.
Chính vì nhu cầu tiêu thụ heo tăng mạnh đã đẩy giá heo “leo dốc” liên tục trong khoảng 2 tuần qua. Hiện tại tỉnh Phú Yên, heo hơi được thương lái thu mua với giá 38.000 đồng/kg, tăng hơn 10.000 đồng so với trước, với mức giá này người nuôi heo có lãi. Bà Lê Thị Mười ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cho hay: Để thích ứng với giá heo giảm mạnh trong thời gian dài, những hộ nuôi heo đã không còn nuôi bằng cám ròng như trước mà chuyển sang cho heo ăn thức ăn phối trộn hoặc nấu cháo rau và thức ăn thừa thu gom. Người nuôi còn tự nuôi nái để sản xuất giống, nhờ vậy chi phí chăn nuôi giảm đáng kể, giá thành mỗi ký heo hơi xuất chuồng chỉ còn khoảng 30.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với trước. Với giá bán heo 38.000 đồng/kg như lúc này thì mỗi con heo xuất chuồng lãi được khoảng 700.000 đồng.
Theo nhiều hộ nuôi heo, các cơ sở chế biến thực phẩm tết đã bắt đầu vào mùa sản xuất nên nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng mạnh; trong khi đó, người nuôi heo của tỉnh lại giảm đàn nên nguồn cung thiếu hụt. Cùng với đó, lúc này, phía Trung Quốc “ăn” hàng trở lại nên nguồn heo từ các trại heo lớn của nước ta tập trung dồn hàng cung cấp cho thị trường này khiến nguồn cung thịt heo trong nước thiếu hụt, đẩy giá heo tăng. Theo ông Võ Hoài Văn, chủ trang trại heo Vi Long ở huyện Đông Hòa, khả năng những ngày giáp tết khi nhu cầu tiêu thụ thịt heo của người dân tăng mạnh thì giá heo cũng sẽ tăng theo. Vụ tết năm nay trang trại chuẩn bị được 600 con heo thịt để cung ứng cho thị trường. Ngoài ra, trại còn liên kết chăn nuôi theo chuỗi sản xuất tiêu thụ với 10 gia trại khác, tổng đàn hơn 1.000 con đảm bảo nguồn hàng ổn định cung cấp cho khách hàng.
Tăng cường kiểm soát vận chuyển
Chính vì nhu cầu tiêu dùng của thị trường tăng cao, trong khi nguồn cung nội tỉnh không đáp ứng được nên những ngày qua, các lái buôn tăng cường nhập heo từ các tỉnh lân cận về tiêu thụ. Theo bà Nga, một thương lái chuyên đi heo từ Đắk Lắk về thì hơn tuần nay khi nhu cầu thị trường tăng mạnh bà tăng cường nhập heo Đắk Lắk về cung cấp cho các nhà lò (các hộ mua heo về mổ). Bình quân mỗi ngày, bà đưa về 1 xe khoảng 20 con heo. Để có lượng hàng ổn định, bà liên hệ với các mối quen ở Đắk Lắk nhờ họ gom hàng giùm và chi lại tiền công nên rất ít lời.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong tháng 12/2017, toàn tỉnh đã nhập hơn 3.000 con heo về mổ thịt và gần 2.800 tấn thịt để cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu đơn vị kiểm soát được khi các xe về tỉnh đi qua các trạm kiểm dịch Hảo Sơn, Bình Phú. Khả năng lượng heo nhập vào tỉnh còn cao hơn vì số lượng heo Đắk Lắk vào tỉnh không phải qua trạm kiểm dịch nên không thể thống kê. Hiện nguồn heo từ Đắk Lắk về Phú Yên đi theo quốc lộ 29 qua huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk đến Ea Bar (huyện Sông Hinh) và về xuôi. Nếu qua tuyến này, heo sẽ được kiểm soát tại chốt kiểm dịch của tỉnh Đắk Lắk. Còn nếu vận chuyển heo theo đường từ huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk về Sông Hinh thì không được kiểm dịch. Hiện nay khi lượng heo nhập vào tỉnh tăng mạnh, chi cục đã chỉ đạo cho trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị, thành phố tăng cường kiểm soát việc mua bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn. Chi cục cũng yêu cầu các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh, TP Tuy Hòa tăng cường kiểm tra, xử lý đột xuất tại các địa điểm xuống heo trên địa bàn, đảm bảo heo nhập về phải có giấy kiểm dịch tại nơi xuất và không có dấu hiệu bệnh... Chi cục kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức người mua bán, giết mổ heo.
Phó Chi cục phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Văn Lâm cho biết: Từ giờ đến tết, nhu cầu tiêu dùng thịt heo của người dân tiếp tục tăng nên lượng heo nhập vào tỉnh cũng sẽ tăng. Để đảm bảo chất lượng heo cung cấp cho thị trường, ngành Thú y tăng cường kiểm soát, siết chặt việc mua bán, vận chuyển heo trên địa bàn và từ địa phương khác đưa về. Ngoài ra, chi cục cũng sẽ tăng cường phối hợp, tổ chức những đợt kiểm tra đột xuất tại các chợ mua bán động vật và sản phẩm động vật tập trung để phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm, tránh để tình trạng mua bán hàng không đảm bảo chất lượng cho người dân.

Đăng nhận xét