DTK Biotech-Vet - Ða dạng hóa thị trường xuất khẩu tôm và cá tra


Nông dân huyện Trần Ðề (Sóc Trăng) thu hoạch tôm. Ảnh: Minh Trường
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chín tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thủy sản nước ta ước đạt 5,91 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là bốn thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam, chiếm tới 55,5% tổng giá trị xuất khẩu. Riêng tôm và cá tra đang có sự sụt giảm mạnh vào Mỹ, thị trường chủ lực của cả hai mặt hàng này.
"Rào cản" từ thị trường Mỹ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8-2017, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 18,44 triệu USD, giảm 58,5% so với tháng 7-2017 và giảm 54,8% so với tháng 8-2016 (40,8 triệu USD). Trước đó, lượng cá tra xuất sang thị trường Mỹ bảy tháng đầu năm 2017 đạt 220,8 triệu USD chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu và tăng 3,3% so với cùng kỳ. Ðối với mặt hàng tôm, tính đến hết tháng 7-2017, thị trường Mỹ đã tụt xuống thứ tư trong số các thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu tôm bảy tháng đầu năm 2017 sang Nhật Bản, EU và Trung Quốc lần lượt tăng 35,2%; 20,5%; 106,3% so với cùng kỳ năm 2016 thì Mỹ lại giảm 5,5%.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ sụt giảm thời gian qua là do bị tác động bởi những yếu tố liên quan đến chống bán phá giá. Theo VASEP, khi so sánh thuế chống bán phá giá giữa Việt Nam, Ấn Ðộ, Thái-lan thì Việt Nam đang cao nhất. Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, giá tôm nguyên liệu trong nước cũng liên tục tăng và ở mức cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp bị đội lên, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam so với tôm In-đô-nê-xi-a, Ấn Ðộ và Thái-lan. Hơn nữa, giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam thường cao hơn khá nhiều so với sản phẩm tôm cùng loại của các nước khác.
Về mặt hàng cá tra, nguyên nhân lượng xuất khẩu vào Mỹ giảm mạnh trong tháng 8-2017 được cho là bị ảnh hưởng bởi quyết định kiểm tra 100% lô hàng theo quyết định của Cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ kể từ ngày 2-8-2017.
Giảm lệ thuộc vào một thị trường chính
Theo Tổng Thư ký VASEP Trương Ðình Hòe, nhìn cụ thể thì mức sụt giảm xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ thời gian qua không lớn, chỉ ở mức 5,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, đây là một cảnh báo đối với các doanh nghiệp thủy sản nói riêng và ngành thủy sản nói chung bởi lâu nay Mỹ vẫn dẫn đầu trong số các thị trường nhập khẩu mặt hàng này. Chính vì vậy, về lâu dài, chúng ta vừa phải tìm cách đối phó những rào cản thương mại và kỹ thuật từ phía Mỹ, vừa phải tìm đường đưa tôm vào các thị trường khác ngoài Mỹ.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ tôm Việt Nam của Nhật Bản đang tăng cao và được kỳ vọng sẽ là thị trường ổn định trong thời gian dài. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng trở thành điểm dịch chuyển mới của mặt hàng tôm, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, tính ổn định của thị trường này không cao, do đó vừa làm vừa phải thăm dò. Ngoài hai thị trường nêu trên, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Bra-xin đang là những thị trường tiềm năng cho tôm, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm.
Không riêng tôm, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra cho biết, sẽ thận trọng hơn khi lựa chọn nguồn cá tra nguyên liệu trong chế biến để xuất khẩu sang thị trường Mỹ; đồng thời nỗ lực tiến vào các thị trường khác, quan tâm chú trọng hơn nữa đối với thị trường tiêu thụ trong nước bởi đây chính là thị trường tiềm năng bị bỏ ngỏ trong suốt thời gian dài vừa qua.
Theo VASEP, xuất khẩu cá tra chín tháng năm 2017 đạt hơn 1,3 tỷ USD. Dự kiến, đến cuối năm 2017, xuất khẩu cá tra có thể đạt kim ngạch 1,7 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2016. Trong tám tháng đầu năm 2017, xuất khẩu tôm đạt hơn hai tỷ USD. Với đà tăng trưởng này, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2017 có thể cán mốc 3,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016.

Đăng nhận xét