DTK Biotech-Vet - Cá tra 2017: Hướng tới mục tiêu trên 1,7 tỷ USD

Năm 2016, XK cá tra đạt 1,67 tỷ USD, tăng gần 7% so năm 2015 và chiếm 24% tổng giá trị XK thủy sản. Năm 2017, XK cá tra được dự báo tiếp tục tăng nhẹ và có thể đạt trên 1,7 tỷ USD.
Đánh giá đúng thị trường Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường gây bất ngờ lớn nhất đối với XK cá tra năm 2016. Trong năm qua, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông ước tăng tới gần 90% so với năm 2015, và chiếm khoảng 17% giá trị cá tra XK. Qua đó, Trung Quốc - Hồng Kông đã vượt qua EU, trở thành thị trường lớn thứ 2 của cá tra Việt Nam. Thậm chí trong quý IV/2016, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông cao hơn sang Mỹ.
Chế biến cá tra XK
Theo nhận định của VASEP, nếu tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao như trong năm 2016 và nếu rào cản thương mại, kỹ thuật đối với cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ khắt khe hơn, trong năm 2017 có thể Trung Quốc - Hồng Kông sẽ trở thành thị trường XK lớn nhất của cá tra Việt Nam.
Vấn đề hiện nay đối với các DN cá tra Việt Nam là phải đánh giá đúng về thị trường Trung Quốc. Mấy năm qua, tuy XK cá tra sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng tốt, nhưng thị trường này vẫn bị đánh giá là không bền vững, tiêu thụ chủ yếu sản phẩm giá rẻ, chất lượng không cao...
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nhân ngành hàng cá tra, thị trường Trung Quốc không chỉ tiêu thụ cá tra giá rẻ mà còn có những phân khúc cao cấp với tiêu chuẩn chất lượng không thua gì châu Âu, Mỹ... Chẳng hạn, Cty Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), đang cung ứng cá tra cho một hệ thống nhà hàng ở Trung Quốc với giá bán không thua gì XK sang châu Âu.
Nếu như trước đây, thương nhân Trung Quốc thường mua phụ phẩm cá tra Việt Nam về chế biến thành các sản phẩm, sau đó mua philê cá tra để chế biến sản phẩm giá trị gia tăng để XK, thì nay các DN Trung Quốc lại chuyển sang NK cá tra nguyên con về đáp ứng nhu cầu chế biến của các nhà hàng.
Đời sống người Trung Quốc ngày càng được cải thiện, kéo theo nhu cầu ăn ngon với mức giá phù hợp tăng cao đã giúp cho các hệ thống nhà hàng đang nở rộ trên khắp nước này. Trong khi đó, người tiêu dùng Trung Quốc lại có nhiều lo ngại về thực phẩm nội địa. Đó là cơ hội lớn để cá tra Việt Nam thâm nhập ngày càng nhiều hơn vào phân khúc trung và cao cấp. Do đó, theo đánh giá của một số doanh nhân ngành hàng cá tra, thị trường Trung Quốc sẽ còn khá bền vững đối với cá tra Việt Nam trong những năm tới.
Không những thế, trong năm 2017, Trung Quốc tiếp tục được coi là thị trường thay thế quan trọng nhất. Bởi những dự báo cho thấy 1 thị trường truyền thống của cá tra Việt Nam là EU chưa có dấu hiệu cải thiện sau 3 năm liên tục giảm giá trị NK cá tra (6 tháng đầu năm 2017 mức giảm dự kiến 3 - 5% so cùng kỳ 2016). Do đó, ngành hàng cá tra rất cần các thị trường thay thế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Năm 2016, chính nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc mà ngành cá tra đã có sự tăng trưởng XK tới gần 7% trong bối cảnh một thị trường lớn là EU bị sút giảm khá nhiều.
Với những điều kiện như trên, trong năm 2017, giá trị cá tra XK sang Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng mạnh so năm 2016 (mức tăng tối thiểu sẽ là 30%). Nhờ đó, giá trị cá tra XK sang Trung Quốc có thể chiếm khoảng 20% tổng giá trị cá tra XK.
Dầu vậy, VASEP cho rằng, XK cá tra sang Trung Quốc vẫn cần được xiết lại về chất lượng. Bởi vẫn đang có một lượng cá tra không nhỏ đi sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, không được kiểm soát về chất lượng, ATTP.
Chỉ còn 2 - 3 DN tham gia thị trường Mỹ
Kết thúc năm 2016, Mỹ tiếp tục giữ vị trí là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam với giá trị 366 triệu USD, chiếm 22% giá trị XK cá tra. Tuy nhiên, XK cá tra sang Mỹ đã phải đối mặt với những khó khăn lớn bởi thuế chống bán phá giá (CBPG) và chương trình thanh tra cá da trơn (chương trình này chưa tác động mạnh tới kim ngạch XK cá tra sang thị trường Mỹ nhưng gây hoang mang tâm lý cho các nhà XK).
Chế biến cá tra XK
Trong năm 2017, thuế CBPG và chương trình thanh tra cá da trơn vẫn sẽ là rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật lớn cho cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ. Với mức thuế CBPG quá cao, hiện nay, số lượng DN XK cá tra đi Mỹ đã giảm rất mạnh, chỉ còn 2 - 3 DN lớn bám trụ được với thị trường này. Chương trình thanh tra cá da trơn với một số quy định ngặt nghèo, cũng đang trong giai đoạn chuyển tiếp và sẽ bắt đầu chính thức có hiệu lực từ 1/9/2017. Khi ấy, XK cá tra sang Mỹ có thể còn khó khăn hơn nữa.
Dầu vậy, theo VASEP, trong nửa đầu năm nay, XK cá tra sang Mỹ và các thị trường Trung Quốc, ASEAN... sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự gia tăng của nhu cầu tiêu thụ.
Duy trì và khôi phục thị trường EU
Tuy thị trường EU chưa có dấu hiệu cải thiện trong năm 2017, nhưng đây vẫn là một thị trường truyền thống và lớn của cá tra Việt Nam. Do đó, trong khi đẩy mạnh XK sang các thị trường thay thế như Trung Quốc - Hồng Kông, ASEAN, Nga..., thì việc duy trì và phục hồi thị trường EU là rất cần thiết.
Việc cá tra Việt Nam XK sang EU liên tục suy giảm trong 3 năm qua, ngoài các nguyên nhân như bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các loại cá thịt trắng khác, bị bôi nhọ bởi truyền thông... nhưng còn có một yếu tố rất đáng chú ý là châu Âu đang tập trung đi vào phân khúc chất lượng cao, thay vì NK ồ ạt với giá rẻ như trước đây.
Chính vì vậy, các DN XK cá tra sang EU cũng cần thay đổi cung cách XK. Thay vì XK số lượng lớn nhưng đại đa số là dạng philê với giá rẻ, thì cần tập trung vào các sản phẩm cá tra chất lượng cao. Đồng thời, cần có chiến lược xây dựng hình ảnh cá tra Việt Nam ở EU. Đây là giải pháp quan trọng để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng khu vực này trước những thông tin bôi nhọ bởi truyền thông trong suốt 10 năm qua.
Cá tra Việt Nam tiếp tục bị bôi nhọ
Theo VASEP, vào ngày ngày 5/1/2017, một kênh truyền hình Tây Ban Nha đã phát một phóng sự đưa thông tin sai và xấu về hình ảnh cá tra Việt Nam. Điều này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu thụ cá tra Việt Nam tại nước này.
Trong 10 năm qua, cá tra Việt Nam đã nhiều lần bị bôi nhọ bởi truyền thông châu Âu. Truyền thông bôi nhọ đã ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sức tiêu thụ và hình ảnh sản phẩm cá tra nói riêng, thủy sản của Việt Nam nói chung tại nhiều nước châu Âu.
Đặc biệt, với sự lan tỏa của mạng xã hội, những thông tin không tích cực đó đã có những tác động dai dẳng và được nhận định tiếp tục có tác động đến tiêu thụ cá tra nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung tại châu Âu trong 2017.
Thiếu nguyên liệu
Đầu năm 2017, nhu cầu NK cá tra đang tăng khá từ nhiều thị trường quan trọng như Mỹ, EU và nhất là Trung Quốc. Nhưng các DN chế biến cá tra XK lại đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm cá tra nguyên liệu. Nguyên nhân chính là do trong năm 2016, có nhiều thời điểm giá cá tra giảm sâu, khiến nông dân bị thua lỗ nặng. Nhiều hộ nuôi cá tra chán nản, tạm ngưng hoặc bỏ nuôi cá tra.
Ngoài ra, trong năm 2016, do giá cá tra nguyên liệu trên thị trường xuống thấp, nhiều DN khác đã giảm nuôi cá tra (để tránh lỗ) và dựa vào nguồn cá nuôi trong dân. Người dân bỏ ao, doanh nghiệp giảm nuôi, khiến cho sản lượng cá tra giảm mạnh vào cuối 2016, đầu 2017.
Theo đánh giá của một số doanh nhân ngành cá tra, từ nay đến hết tháng 4, sản lượng cá tra chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu chế biến XK.
BiotechVET tổng hợp theo Nông Nghiệp VN

Đăng nhận xét