DTK Biotech-Vet - Thành công cho người dám nghĩ, dám làm

Trang trại gia đình anh Mai Văn Hoàng, xã Phú Đa huyện Vĩnh Tường nằm trải dài bên sườn đê tả sông Hồng. Từ trên đê nhìn xuống, khu đầm trông thật đẹp mắt và quy củ với bên dưới thả cá, trên bờ chăn nuôi lợn kết hợp với trồng chuối. Nhờ tinh thần ham học hỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mà hiện nay anh đã là chủ một trang trại lớn với mức thu nhập lên đến vài trăm triệu đồng mỗi năm và là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế thủy sản của huyện Vĩnh Tường.


Anh Hoàng cùng con trai đang kiểm tra đầm cá

Trước kia, khu trang trại của gia đình anh là khu đầm trũng mỗi năm 1 vụ lúa, 1 vụ cá và chủ yếu thả cá truyền thống cho năng suất không cao; cánh đồng rộng lại trũng, nhiều khi mưa to gây ngập úng, cá cũng thất thoát. Xác định nếu như không cải tạo lại và xây dựng quy trình chăn nuôi hợp lý thì hiệu quả sẽ không cao, năm 2005 vợ chồng anh đã vay mượn hàng trăm triệu đồng thuê người đắp bờ, nạo vét và quy hoạch khu chăn nuôi tập trung hơn 5ha. Dưới nước thì nuôi những giống cá có năng suất cao như: trắm, chép, quả, mè,...trên bờ thì xây 2 khu chuồng lớn chuyên nuôi lợn công nghiệp, tạo nguồn thức ăn tận dụng cho cá; những bờ ngăn cách giữa các ao nhỏ với nhau được đắp cao, rộng và trồng chuối giữ đất, riêng nguồn thu từ chuối đủ trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình. Hiện tại, với 5ha đầm nuôi anh quy hoạch thành 5 ao nhỏ với 2 ao ương nuôi cá giống và 3 ao nuôi cá thương phẩm. Hai dãy chuồng nuôi lợn mỗi dãy khoảng 200 lợn thịt.

Năm 2012, anh Hoàng được Chi cục Thủy sản tỉnh lựa chọn, tư vấn tham gia mô hình nuôi cá rô phi Đường Nghiệp. Gia đình anh nuôi trên diện tích gần 3ha và được hỗ trợ con giống cùng 15% lượng thức ăn cho cá. Anh Hoàng cho biết: “Cá rô phi Đường Nghiệp hơn hẳn các loại cá truyền thống khác bởi tốc độ tăng trưởng cao, sau gần 6 tháng, trọng lượng bình quân đạt khoảng 600g/con, nhiều con đạt tới 1.200g. Trong quá trình nuôi, cá ít mắc bệnh và khá phù hợp với nguồn nước, điều kiện nuôi thả ở nơi đây. Gia đình tôi dự kiến năng suất đạt bình quân khoảng 15 tấn/ha, trừ chi phí đi rồi cũng lãi được ít nhất 100 triệu đồng. Quá trình nuôi sẽ tăng tỷ lệ cá truyền thống lên 30% nhưng vẫn đảm bảo diện tích theo quy định nhằm tạo điều kiện cho cá phát triển và tận dụng tốt nguồn thức ăn thừa và tận dụng mặt nước. Nếu nuôi đan xen như vậy sẽ đem lại lợi nhuận cao”.

“Tuy nhiên, người nuôi cẩn trọng về vấn đề môi trường, mật độ nuôi và thời tiết. Đồng thời, cho ăn phải theo quy trình, thường xuyên dõi theo tình hình của cá, có ngày, lượng thức ăn cho ít, có ngày cho nhiều tùy thuộc vào nhu cầu của cá, vì nếu cho nhiều, cá ăn không hết sẽ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, cá sẽ chết nhiều. Nếu phát hiện kịp thời, cách xử lý tốt nhất là cần nhanh chóng thay nguồn nước. Một số loại bệnh do cá thường gặp như nấm mang, long vẩy và đi ngoài nhưng có thể xử lý được bằng cách trộn thuốc vào cám sau đó ngâm từ 10-15 phút mới cho ăn."- anh Hoàng chia sẻ kinh nghiệm.

Để chăn nuôi thủy sản của Phú Đa nói riêng và của huyện Vĩnh Tường nói chung có thể phát triển một cách tốt nhất. Anh Hoàng cùng một số người khác đã thành lập nên HTX Dịch vụ tổng hợp nuôi trồng thủy sản. Hợp tác xã đi vào hoạt động sẽ giúp các thành viên rất nhiều trong việc chia sẻ những kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tiết kiệm chi phí đầu tư vào giống, thức ăn. Thêm vào đó, đầu ra sản phẩm cũng được ổn định hơn. Anh Hoàng cũng chia sẻ thêm “ Theo tôi, hiện tại không nuôi một loại cá nào lợi nhuận cao như rô phi đơn tính. Chúng dễ nuôi, lớn nhanh, khỏe mạnh, lại nuôi được ở mật độ cao. Tuy nhiên, do chi phí thức ăn nuôi rô phi rất cao nên nhiều gia đình không theo được, bỏ giữa chừng nên thất bại. Do đó, để nuôi được rô phi cũng không đơn giản, phải là những người dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư bài bản thì cuối cùng mới có hiệu quả được.

Được xác định là mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, những năm gần đây, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản đã được ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh quan tâm đầu tư, nghiên cứu, xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ KHKT, giúp nông dân khai thác tiềm năng, lợi thế mặt nước đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trang trại nuôi trồng thủy sản của gia đình anh Hoàng và rất nhiều gia đình khác trong tỉnh đã và đang góp phần tạo nên sự thay đổi của làng quê Vĩnh Phúc./.

Đăng nhận xét