DTK Biotech-Vet - Tôn vinh sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao

Dưới sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam phối hợp với Cục Chăn nuôi; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; tổ chức Chương trình bình chọn và trao tặng Danh hiệu “Sản phẩm Vàng chăn nuôi gia cầm Việt Nam” lần thứ I năm 2016, nhằm tôn vinh tập thể, doanh nghiệp, cá nhân… có đóng góp tích cực vào sự  phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Kết quả hình ảnh cho sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao

Thách thức trước hội nhập


Trong những năm qua, ngành chăn nuôi góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế – xã hội, tăng thu nhập cho nền kinh tế quốc dân. Năm 2015, tổng giá trị ngành chăn nuôi cả nước đạt 205,4 nghìn tỷ đồng (tăng 3,76% so năm 2014), tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu lao động. Riêng với ngành chăn nuôi gia cầm, thì đây là nghề truyền thống, gắn bó với người dân Việt Nam suốt từ Bắc tới Nam, từ miền núi, trung du, tới đồng bằng ven biển, hiện đang phát triển nhanh và giữ vị trí quan trọng trong ngành chăn nuôi. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi nói chung, gia cầm nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn: Chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ là chủ yếu (khoảng 75%), năng suất thấp, chi phí đầu tư cao, thiếu liên kết, đầu ra kém ổn định, chưa giải quyết triệt để dịch bệnh… do đó, sức cạnh tranh của các sản phẩm còn rất yếu.

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực triển khai hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các phương diện đa  phương, khu vực và song phương. Về đa phương, Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO từ năm 2007 sau hơn 11 năm đàm phán. Về khu vực, Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN và sau đó là Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Cùng ASEAN, Việt Nam đã tham gia thỏa thuận thương mại tự do giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Về song phương, Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định quan trọng như Hiệp định Thương mại với Mỹ, Hiệp định Đối tác Kinh tế với Nhật Bản. Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 FTA, trong đó có 6 là hiệp định giữa ASEAN với các đối tác và 2 là hiệp định song phương (với Nhật Bản và Chilê). Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán 7 FTA khác, nổi bật là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).

Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và đa dạng sẽ tích cực hỗ trợ cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam có được các lợi thế ở cả trong nước (cơ cấu kinh tế hợp lý hơn) và bên ngoài (tiếp cận thị trường tốt hơn) để thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những thách thức mà Việt Nam phải đối diện trong quá trình hội nhập cũng không hề đơn giản.  Thua lỗ, đóng cửa là “cái chết được báo trước” với ngành chăn nuôi Việt Nam; tuy nhiên, cũng không nên quá bi quan bởi nhìn toàn cục, mở cửa ngành chăn nuôi sẽ giúp hơn 90 triệu người tiêu dùng hưởng lợi vì được mua thực phẩm giá rẻ, chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch chặt chẽ. Chưa kể, ngành chăn nuôi cũng được hưởng một số lợi ích nhất định, như được tiếp cận giống, vaccine, trang thiết bị, thuốc thú y… với giá rẻ hơn trước.

 Cần động viên những người sản xuất

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành chăn nuôi Việt Nam, nhất là ngành chăn nuôi gia cầm được dự báo sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực nhất. Trước những khó khăn, thách thức đó, rất cần sự nỗ lực của toàn ngành để vượt qua “sóng gió”. Và càng cần hơn một Danh hiệu để cổ vũ, khuyến khích, động viên, khích lệ về mặt tinh thần, nhất là đối với nông dân – những người trực tiếp tham gia vào công tác sản xuất.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam phối hợp với Cục Chăn nuôi; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Chương trình bình chọn và trao tặng Danh hiệu “Sản phẩm Vàng chăn nuôi gia cầm Việt Nam” (gọi tắt là: Sản phẩm Vàng) lần thứ I, năm 2016, nhằm kịp thời ghi nhận, tôn vinh những sản phẩm chất lượng cao của các tập thể, doanh nghiệp, cá nhân… trong cả nước đã được khẳng định, được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao; từ đó, tạo không khí thi đua lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế; góp phần đưa ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung, gia cầm nói riêng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế thành công; từng bước khẳng định thương hiệu ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Danh hiệu “Sản phẩm Vàng Chăn nuôi gia cầm Việt Nam” lần thứ I năm 2016 sẽ được Hội đồng bình xét và trao tặng Cúp vàng, Kỷ niệm chương, Bằng khen và Chứng nhận cho Top 100 sản phẩm của tập thể, doanh nghiệp và người chăn nuôi trong cả nước đạt mọi tiêu chí của Ban tổ chức…

Dự kiến, Chương trình chính thức được phát động vào tháng 5/2016. Tất cả các sản phẩm của ngành chăn nuôi, chăn nuôi gia cầm đều có cơ hội tham gia bình xét trao giải bao gồm: Con giống gia cầm, sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y (vaccine, dược thú y…), sản phẩm gia cầm chế biến, tiêu thụ (sống, chế biến), thiết bị chuồng trại, mô hình chăn nuôi… của nhiều thành phần kinh tế khác nhau từ doanh nghiệp, trung tâm, trang trại, đến người chăn nuôi… trong và ngoài nước.

>> “Mục đích của Chương trình là: Tôn vinh những sản phẩm của doanh nghiệp, người chăn nuôi; Khẳng định chất lượng và năng lực của ngành chăn nuôi Việt Nam; Và quan trọng nhất là thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo không ngừng nghiên cứu, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần đẩy mạnh ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập quốc tế thành công”, TS. Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam.

Đăng nhận xét